Thursday, September 15, 2016

Sông Bassac - Dương Văn Chung




Châu Đốc xưa kia là tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc, nay là một thị xã thuộc tỉnh An Giang. Thị xã này nằm bên bờ Hậu Giang, một nhánh của sông Cửu Long.
Sông Cửu Long phát nguyên từ Cao nguyên Tây Tạng, chảy qua các nước Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Đây là một con sông dài, khoảng 4.880 Km. Con sông chảy qua nước nào thì nước đó đặt cho nó một cái tên. Tên khởi đầu do người Tai-Tây Tạng đặt là Mae Nam Khong, gọi tắt là Mae Khong, có nghĩa là Kong River, “Mẹ của các sông”. Trung Quốc gọi là Mégòng Hé hoặc Lancang giang. Miến Điện gọi là Mae Khaung, Thái gọi là Mae Nam Khong, Lào gọi là Mènam Khong, Campuchia gọi là Mékông hoặcTonle Thom và Việt Nam gọi là Sông Cửu Long. Đến Campuchia, con sông chia ra làm 2 nhánh lớn; nhánh bên trái là sông Mekong và nhánh bên phải là sông Bassac (phiên âm từ tiếng Campuchia Ba Thắc). 

Vào đến địa phận Việt Nam, nhánh Mekong gọi là Tiền Giang, chảy qua các địa phương Tân Châu (tỉnh An Giang),  Hồng Ngự và Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), đến Cai Lậy (Tỉnh Tiền Giang) chia ra làm 4 sông đổ ra biển bằng 6 cửa:
·         Sông Mỹ Tho, chảy qua thành phố Mỹ Tho và phía Nam Gò Công, nơi đó tẽ ra thành 2 con sông , sông Cửa Tiểu chảy ra biển bằng Cửa Tiểusông Cửa Đại chảy ra biển bằng Cửa Đại.
·         Sông Ba Lai chảy qua phía Bắc tỉnh Bến Tre (tên cũ Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai.
·         Sông Hàm Luông chảy qua phía Nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông.
·         Sông Cổ Chiên làm thành ranh giới tỉnh Bến Tre-Trà Vinh (tên cũ Vĩnh Bình), chảy ra biển bằng hai cửa Cổ ChiênCung Hầu.
 
Nhánh Bassac hay Ba Thắc là Hậu Giang chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng và chảy ra biển bằng 3 cửa là Cửa Định An, Cửa Ba Thắc (Bassac), Cửa Tranh Đề. Từ thập niên 1970 cửa Ba Thắc bị bồi lấp, nên ngày nay Hậu Giang chỉ còn hai cửa chảy ra biển. (Theo Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia)



Tóm lại, con sông chảy ra biển bằng chín cửa mà ngày xưa học sinh Tiểu học phải học thuộc lòng là Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hậu, Cửa Định An, Cửa Ba Thắc (xưa gọi là Cửa Bassac), Cửa Tranh Đề, do đó nó được đặt tên là Sông Cửu Long hay Cửu Long Giang. Long là rồng, một trong tứ quý Long, Lân, Qui, Phụng. Chữ Long cũng mang ý nghĩa con sông dài uốn khúc như con rồng.  

Tôi muốn dùng từ ngữ Bassac mà thuở nhỏ tôi đã học để chỉ con sông chảy ngang qua bên này là bến chợ Châu Đốc và bên kia là bến đò CồnTiên-Đa Phước. Mặc dầu sinh hoạt của cư dân ở hai bên bờ sông có ít nhiều thay đổi, nhưng dòng sông vẫn tiếp tục chảy, lục bình vẫn bập bềnh trôi và ký ức về những sinh hoạt nhộn nhịp một thời ở hai bên bờ sông cũng như trên dòng sông vẫn thường bừng dậy trong tâm tưởng của bao nhiêu người con Châu Đốc xa xứ.

Bến sông bên chợ chen chúc tàu ghe từ các nơi đến, đậu cập các cầu tàu nổi, đóng bằng ván, phía dưới độn thùng phuy hoặc độn tre. Bà-con ở thôn quê đem cá mắm, gà vịt, nông sản ra chợ bán, rồi mua về những mặt hàng thiết dụng hàng ngày như vải vóc, mùng mền, dầu hôi, khí đá, lưỡi câu, lưới cá…v.v. Chiếc tàu đò nào cũng có treo cờ ở phía sau lái, hồi Pháp thuộc là cờ Tây ba màu, xanh dương, trắng, đỏ hoặc thời Việt Nam Cộng Hòa, cờ quốc gia màu vàng ba sọc đỏ. Mùa Vía Bà vào khoảng tháng tư ta, những chiếc tàu đò chở khách đầy ắp, trên mui tàu  có treo hai hàng cờ đuôi nheo hình tam giác, đủ màu, bay láy pháy trong gió. 

Trên bờ, theo thứ tự từ Kinh Vĩnh Tế đi xuống, có lò nấu rượu, đến thành lính, bên hông trường Nam Tiểu học Châu Đốc, dinh Trường Tiền, Vàm Kinh Ông Cò, chợ gà, dãy quán ăn ở bờ sông đối diện với khu phố chính của người Hoa bán đủ thứ, đồ sắt thép, bù lon, đinh ốc, tạp hóa, tiệp thuốc Bắc, Chùa Ông…v.v. Tiếp theo các quán ăn dọc bờ sông  là chợ cá, cất gie ra bờ sông, con đường trước chợ cá thường ướt át, lầy lội, mùi cá tanh xông lên ngộp thở. Nhắc đến đây tôi không quên được cảnh tượng não nùng của một ông thầy thuốc rắn, đem một giỏ rắn ra chợ cá Châu Đốc bán, ông vừa đưa tay vào giỏ để bắt một con rắn hổ đất, bị nó cắn ngay hổ khẩu tay, ông lại để quên gói thuốc rắn ở nhà, ông kéo đờm, chết liền tại chỗ, đứa cháu ngoại  khoảng sáu bảy tuổi đi theo ông kêu khóc thảm thiết, chiếc xuồng ba lá chở xác ông, được một chiếc tàu đò dòng đi về hướng Bắc Đai,Vung Thăng. Có người nói :
-Thật là sanh nghề tử nghiệp.

Kế đến là bến đò Châu Phú – Châu Giang. Nơi đó có đình thờ Ngài Nguyễn Hữu Cảnh, được vua sắc chỉ phong thần. Tiếp theo là Ty Bưu Điện, Tòa Hành Chánh, còn gọi là Tòa bố, Tòa Án, Nhà Lớn của gia tộc họ Lê, nhà thương, lò heo, bến bắc để đưa xe qua Châu Giang, chạy về Tân Châu. Đối diện với bến bắc là Nhà nuôi trẻ mồ côi và nhà thờ.
Bên kia sông là Bến đò Cồn Tiên, cũng không kém nhộn nhịp, xe lôi, xe gắn máy, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe đò nhỏ chực chờ để đón khách vừa từ chiếc đò ngang bước xuống. Tiếng bắt mối nghe rất ồn náo :
- Về An Phú không dì hai, lên xe hơi kìa, chạy nhanh, ít dằn.
- Về Vĩnh Nguơn không, lên xe lôi đi, bác.
- Đi xe ôm nhanh lắm, cô bác ơi.
Tiếng mấy cô lái đò :
- Mời bà con xuống đò, đi liền, một người cũng đi.
- Khách của tao, mầy đừng giành mối nghe mậy, hồi nãy tao đưa chú qua đó.
Xe hơi, xe gắn máy bắt đầu nổ máy, khói bốc lên mùi khét khét.

Tại bến đò này, đò chia ra hai loại : « đò nhỏ » và « đò lớn », còn gọi là « đò chủ ». Đò nhỏ là đò tư nhân, thường là một chiếc xuồng tam bản, có hai cây chèo ở phía sau, không có bánh lái. Mấy cô lái đò hai tay cầm hai cán chèo tréo nhau phía trước ngực, một chân bước tới, hai tay ấn đầu cán chèo xuống để hai mái chèo quạt nước ra phía sau, đẩy chiếc xuồng tam bản chạy về phía trước. Xong thì rút chân trở về, kéo cho hai mái chèo về phía trước, lên gần mặt nước, lại bước một chân tới, ấn hai cán chèo xuống như lần trước. Những động tác đó cứ lặp đi lặp lại rất nhịp nhàng, giống như đang khiêu vũ với vũ điệu cha-cha-cha. Đò nhỏ chỉ cần một hai người khách là có thể đưa được rồi. Khách đi đò nhỏ ngoài tiền mua vé ở quầy bán vé của chủ đò, còn phải trả thêm tiền công cho người lái đò. Có khi gặp được « khách sộp » mấy cô lái đò được tặng thêm một ít tiền để uống nước.  Để tránh tranh giành khách, đò nhỏ được sắp thành tài, tức là sắp thứ tự, chiếc nào về bến trước là tài nhứt, kế đó là tài nhì, tài ba…, đò tài nhứt được đưa khách đi trước, rồi mới tới đò tài nhì, tài ba.

Còn đò chủ là đò của người trúng thầu đưa đò. Hàng năm Tòa Hành chánh tỉnh tổ chức cuộc đấu thầu đưa đò gồm chung các bến, chợ Châu Đốc-Cồn Tiên, chợ Châu Đốc-Châu Giang, Bến Bắc Châu Đốc-Châu Giang. Người trúng thầu thường được gọi là chủ đò, phải nộp cho chánh quyền sở tại một số tiền nhứt định hằng năm. Trái lại, người đó được quyền thu tiền bán vé đò, lời ăn  lỗ chịu. Đò chủ lớn, phải đợi nhiều khách mới đi một lần, nhưng nếu quá một tiếng đồng hồ không có khách, mà bến bên kia có khách đợi thì đò chủ vẫn phải đi để đón khách bên bờ kia qua. Lúc đầu đò chủ chèo tay, một cây chèo phía trước, một cây chèo phía sau, có bánh lái, về sau đò nầy được gắn máy đuôi tôm, nhanh hơn.
Xe đạp, xe gắn máy qua đò cũng phải có vé.

Đặc biệt có nhiều chiếc ghe, lớn có, nhỏ có buôn bán hàng xáo, chở gạo, neo giữa dòng sông để bán cho khách ở Cồn Tiên hoặc ở các làng phụ cận. Gạo được đong bằng thùng 20 lít gọi là cái táo, hai táo thành một dạ. Người bán gạo hàng xáo biết mánh đong gạo như thế nào cho có lợi, họ bưng thúng gạo lên, rót xuống cho đều và mạnh giọt, khi gạo trong thúng gần hết, họ đổ ụp xuống cái táo, hột gạo dựng đứng lên, rất đẹp, lấy ống cán gạt gạo thừa chung quanh miệng cái táo. Gạo ở trên mặt, chính giữa cái táo có hơi lõm xuống, khối lượng gạo hơi non một táo mà người mua không để ý.
Dọc hai bên bờ sông, ban ngày có mấy người vừa bơi xuồng vừa rao :
-          Úmmmmmm…
Không ai biết tiếng rao bán hàng gì ? Hỏi ra mới biết đó là bún nước lèo.
-          (Ai)…(ăn)…bún… (hôn) … ?
Bún nước lèo ở Châu Đốc nấu với cá nấu rục và ngải bún, nêm mắm hoặc mắm bò-hóc của người Miên. Khi chan nước lèo lên chỉ thấy xác cá ở phía trên bún, để thêm một ít rau giá, dưa leo bằm, ớt xanh.
Ban đêm có xuồng bán chè với ngọn đèn bão leo lét. Trong thanh vắng, tiếng cô bán hàng cất lên trong trẻo:
-          Ai ăn chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát hôn… ?

Nơi bờ sông cạnh bến đò Cồn Tiên, khoảng giữa thập niên 40 có một cái nhà bè đầu tiên, khung đóng bằng gỗ ván, dưới độn tre, trên lợp lá. Nhà bè này kéo từ xứ rạch Xa-Nô ở Miên về. Chủ nhà bè này là dì dượng tôi. Người ta thường gọi dượng tôi là ông Xa-Viên Hai. Theo tiếng Miên, Xa-Viên là người trúng thầu khai thác thủy sản ở một vùng sông rạch. Về sau nhà bè này được dời qua vàm Kinh Ông Cò. Năm 1949 dượng tôi trúng thầu khai thác đò các bến Châu Đốc. Về sau nầy dì dượng đổi qua nghề mua bán vật liệu xây cất, chằm lá buông để vừng vách, lá dừa để lợp nhà, bán cây tràm, cây đước để làm cột…v.v...

Tre độn lâu ngày bị đóng rong. Cá rô biển ở dưới nhà bè rất nhiều, chen ở giữa các cây tre để ăn rong. Trong xóm có anh Ngàn, nhà nghèo, mẹ góa con côi, thường lặn xuống dưới nhà bè, lấy hai tay ốp vào kẽ tre bắt cá rô biển. Có nhiều con cá rô lớn bằng bàn tay. Sau này anh Ngàn có phước, cưới được người vợ hiền là chị Bê, cũng đồng cảnh ngộ, mẹ góa con côi, vợ chồng chí thú làm ăn, sang được một quán ăn ở bờ sông Châu Đốc lấy hiệu là Văn Ngàn.

Nhắc Châu Đốc, ai cũng nhớ đến cá mắm. Cá rất nhiều và dễ câu, dễ bắt. Lúc còn đi học, tôi thường bó nhánh cây khô thật chặt, ngâm dưới nước. Đến giờ nấu cơm, tôi kéo bó chà lên bờ, cá rô, cá heo da màu xanh, vàng, đuôi và kỳ màu đỏ và một vài loại cá khác nhảy xoi xói trên mặt đất. 

Dòng sông Bassac này đã đem lại cho nông dân những ruộng lúa phì nhiêu nhờ đất phù sa từ thượng lưu đổ về. Một năm người ta chỉ trồng một mùa lúa xạ, tức là khỏi cấy, sau khi cày đất cho xốp, rải hột giống cho đều, lúa lên rất nhanh. Lúa xạ còn gọi là lúa nổi, vì nước lên đến đâu thì lúa cao đến đó. Tuy nhiên, có những năm nước lên nhanh quá, lúa không lên kịp, bị lút, thất mùa. Dòng sông cũng cho rất nhiều cá tôm. Cá ăn tươi, làm khô, làm mắm. Đầu cá lóc nấu canh chua ăn rất ngon, nhiều quá làm sao ăn cho hết, đem làm mắm đầu cá. Cá lóc đen, cá lóc bông làm ra phơi khô hoặc thái làm mắm thái, ruột cá làm mắm ruột ăn béo ngậy. Cá linh, cá chốt, cá trèn con cũng làm mắm.

Không phải tôi nhiều chuyện chớ một vài bà vợ công chức thời bấy giờ lúc chồng đi làm, ở nhà rảnh rổi, không biết làm gì, rủ nhau đánh bài tứ sắc, gọi là “đánh bài giờ”, canh cho đến khi nào ông chồng gần tan sở, nghỉ đánh bài về nhà lo cơm nước. Như vậy cũng xong. Nhưng đặc biệt có nhiều bà có chồng là giáo chức, biết dùng thời giờ rảnh làm mắm bán: Mắm thái Bà Giáo Khỏe, Mắm thái Bà Giáo Mãng... Còn mắm cá trèn, cá chốt không ai làm ngon bằng Bà Năm, thân mẫu của Bác Ba Tiếng, tức là Ông Quách Chiêu Điển, con mắm rất mềm và rất vừa ăn.
Nghe chuyện mắm nhiều quá, chắc bà-con khát nước. Tôi xin ngừng ở đây để mời quý vị đi giải khát.
                                                                                                Sydney, tháng 12/2007

No comments:

Post a Comment