Wednesday, May 10, 2017

Rừng và Hoa hậu

Thí sinh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại khu du lịch rừng phòng hộ Phú Quốc
Ảnh: Internet


Rừng và hoa hậu chẳng ăn nhập gì với nhau. Rừng là rừng, còn hoa hậu là hoa hậu. Dẫu đôi khi có vụ người mẫu hay mấy cô sắc nước hơn trời, ba vòng chuẩn để thi hoa hậu cao hứng vô rừng… chụp hình khỏa thân hô lên là nhằm mục đích bào vệ rừng, bảo vệ môi trường. Chụp hình khỏa thân thì cần gì phải lặn lội vô rừng?

Theo dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn, mỗi năm nước ta hứng 13 cơn bão lớn nhỏ. Con số này đã được công bố và qua thực tế nhiều năm đã chứng minh, mỗi khi bão chồng bão, có năm đã vượt ngưỡng 13. Bão thường đi kèm với lũ, người dân miền Trung đã vừa chống bão vừa chạy lũ luôn thấm thía điều này. Nếu không tính thời tiết bất thường, bão lũ nằm ngoài dự báo thì chỉ với “13 cơn bão thường niên” khúc ruột miền Trung gánh bình quân mỗi tháng 1 cơn bão và bão thường “chạy nước rút” vào những tháng cuối năm, mấy tháng mùa nắng ít bão hoặc không có bão thì tai trời dồn vào những tháng cuối năm, có tháng tới 2-3 cơn bão liên tiếp cho đủ con số 13, con số xui. Bão lũ đã xui, bão lũ mà có 13 cơn, càng xui. 

Không phải là nhà khoa học, dân cả nước ta, đặc biệt là đồng bào miền Trung đều biết tại sao bão lũ ngày càng nhiều, năm sau nặng nề hơn năm trước. Rừng. Không ở đâu mà nạn phá rừng dã man như ở nước ta. Rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… phá tơi bời. Lâm tặc phá, Lâm tặc không chơi một mình khi gặp thế khó mà liên kết với Kiểm lâm phá. Các dự án thủy điện đua nhau phá rừng hợp pháp để làm thủy điện, theo con số thống kê rừng bị phá mỗi năm thật kinh khủng, không phải con số ha rừng bị phá quá nhiều mà kinh khủng, nhưng kinh khủng ở chỗ ý thức bảo vệ rừng nói chung, ở nước ta quá kém, như con số không. Tất nhiên phá rừng thì ai cũng có lợi, chỉ có dân lãnh hậu quả bão lũ thì bị thiệt.

Mới đây ở Phú Yên vụ phá rừng phòng hộ khiến dư luận dậy sóng, nếu không muốn nói là phẫn nộ. Dư luận phẫn nộ không chỉ vì người ta chủ trương phá tới 116 ha rừng phi lao, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ chắn sóng, gió, cát ven biển thuộc xã An Phú nằm ở địa bàn TP Tuy Hòa. Rừng vàng, biển bạc, huống chi biển và rừng nằm ở khu vực đắc địa để là du lịch. Và đúng vậy, Công ty TNHH New City VN đã xin dự án làm khu du lịch cấp cao tại đây, ngay khu đất vàng này. Trong lúc chủ trương còn đang nhập nhằng, thủ tục còn đang “chạy lo” thì tỉnh Phú Yên đã bật đèn xanh cho Công ty này cấp tập phá rừng, phá rừng như đua tốc độ để làm sân golf cho kịp chào mừng cuộc thi Hoa hậu Asean năm 2017 được tổ chức tại đây vào tháng 7 tới. 

Đây là vụ phá rừng phòng hộ công khai được tỉnh Phú Yên cho phép. Phá tới 116 ha rừng phi lao đâu phải ít, mọi phương tiện được huy động, phá tới đâu, cho công nhân trồng cỏ làm sân golf tới đó, cả một công trường máy móc thiết bị, phương tiện cơ giới và nhân công làm ngày làm đêm rần rần, rộ rộ thì đâu phải giấu giếm? Nhưng khi báo chí phanh phui thì mới vỡ lẽ, chỉ mới có phép của tỉnh, còn Thủ tướng thì chưa biết, bởi thủ tục còn chưa xong, quy trình chưa chuẩn, cấp trên cấp dưới còn… nhập nhằng, ú ớ. Nói chung là còn đang chạy, vừa làm vừa chạy cho kịp tiến độ chào mừng cuộc thi hoa hậu. 

Hóa ra lâu nay rừng và hoa hậu chẳng ăn nhập gì với nhau. Rừng là rừng, còn hoa hậu là hoa hậu. Dẫu đôi khi có vụ người mẫu hay mấy cô sắc nước hơn trời, ba vòng chuẩn để thi hoa hậu cao hứng vô rừng… chụp hình khỏa thân hô lên là nhằm mục đích bào vệ rừng, bảo vệ môi trường. Chụp hình khỏa thân thì cần gì phải lặn lội vô rừng? Nhưng đời là vậy, mấy cô chân dài, dáng khêu gợi muốn chụp vài bộ ảnh khỏa thân để kỷ niệm một thời xuân sắc, mai mốt buồn tình lấy ra coi, ngắm nghía lại cơ thể lộng lẫy, trần trụi của mình cho đỡ nhớ cũng phải tìm một mục đích gì đó cho danh chính ngôn thuận nên lấy rừng ra làm phông nền cho ảnh “nuy”, lấy khẩu hiệu là bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cũng là điều tạm chấp nhận. 

Nhưng bây giờ, ở Phú Yên 116 ha rừng phi lao phòng hộ ven biển, lá phổi xanh của thành phố sau cả chục năm quy hoạch, người ta mới ngẫm ra quy hoạch ấy không còn giá trị, tư duy rừng phòng hộ ven biển là sai. Cả một khu vực đất vàng như thế nhiều năm bỏ phí nên đã chấp thuận chủ trương triển khai dự án khu du lịch cấp cao và cuộc thi hoa hậu là quan trọng nên đưa vào dự án amng tính “đặc thù” chơi kiểu “tiền trảm hậu tấu”, làm trước xin phép Thủ tướng sau, đặt mọi việc trong tâm thế đã rồi thì coi như xong. Chiêu này không có gì mới, nhưng Phú Yên đã quên rằng đất gì thì đất, rừng gì thì rừng, nhưng đừng đụng đến đất rừng phòng hộ. 

Hoa hậu cũng quan trọng, nhưng đó chỉ là một cuộc chơi nhan sắc. Sân golf cũng vui, cũng giao lưu, hấp dẫn đại gia, những nhà đầu tư. Nhưng rừng phòng hộ mất đi là cái họa lâu dài, tác động môi trường có thể trước mắt chưa thấy nhưng rồi sẽ thấy. Lúc đó chẳng có tiền bạc nào ngăn nổi sóng, ngăn nổi gió, ngăn nổi cát và biến đổi khí hậu thật khôn lường. 

Từ Kế Tường

No comments:

Post a Comment